Doanh nghiệp bạn mới thành lập? Hẳn bạn sẽ quan tâm tới cách triển khai marketing cho doanh nghiệp nhỏ với các yêu cầu:
- Dễ dàng triển khai
- Hiệu quả nhanh chóng
- Chi phí và nguồn lực tối ưu
Ngoài ra, yếu tố sau cũng đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp mới: Phải được tìm thấy và tạo ấn tượng tốt mỗi khi có người tìm đến doanh nghiệp, cả online và offline.
Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này.
Lưu ý:
- Trước khi triển khai, hãy đảm bảo bạn đã có quy trình bán sản phẩm hoàn chỉnh
- Các hạng mục được trình bày như là một checklist để bạn tham khảo. Trong phạm vi bài viết, không thể giải đáp hay hướng dẫn cụ thể cho từng phần.
Chuẩn hóa nhận diện thương hiệu

Doanh nghiệp mới thực ra rất thuận lợi bởi có thể làm bài bản ngay từ đầu. Việc chuẩn hóa bộ nhận diện giúp tạo ấn tượng chuyên nghiệp, tin cậy trong lòng khách hàng.
Bạn hãy ghi nhớ phương châm bất biến sau: Đưa hình ảnh nhận diện doanh nghiệp vào mọi điểm chạm (touch point) với khách hàng tiềm năng.
Giờ là lúc cùng rà soát lại xem đã có các hạng mục sau chưa?
- Logo, khẩu hiệu (slogan) của doanh nghiệp
- Font chữ, màu sắc chủ đạo
- Thông điệp (giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh)
- Biển công ty, phòng ban
- Danh thiếp
- Đồng phục, thẻ nhân viên
- Hồ sơ năng lực (company profile)
- Catalog sản phẩm
- Sản phẩm đã được đóng gói hoặc gắn tem nhãn
Có thể còn rất nhiều nữa mà bạn có thể bổ sung tương ứng khi công ty phát triển, hoặc các điểm chạm đặc thù của doanh nghiệp.
Bạn sẽ rất bất ngờ là nhiều việc thiết kế hạng mục trên có thể thực hiện miễn phí với các công cụ trên Internet như Canva. Họ không chỉ cung cấp công cụ, đồng thời còn hướng dẫn, đào tạo cũng miễn phí.
Ví dụ với thiết kế logo bằng Canva.

Xuất hiện online theo tên doanh nghiệp
Giả sử tại một sự kiện bạn giới thiệu bạn làm ở công ty A. Một ai đó quan tâm họ sẽ tìm kiếm trên mạng xem doanh nghiệp đó như thế nào, có uy tín không…
Hãy thử hình dung nếu họ gõ tên công ty mà không thấy bạn đâu? Chắc chắn họ đánh giá bạn chưa đủ độ tin cậy.
Có thể bạn chưa biết về SEO hay chưa có kinh phí chạy quảng cáo Google, bạn vẫn có thể dễ dàng xuất hiện trên trang tìm kiếm như hình dưới.

Lý do vì không ai đi viết bài viết tối ưu SEO cho từ khóa là tên doanh nghiệp của bạn. Và doanh nghiệp bạn cũng chưa đủ lớn để các đối thủ cạnh tranh qua Google Ads.
Vậy bạn có thể và nên xuất hiện ở những kênh online nào?
Website doanh nghiệp
Đây chắc chắn là mục không thể thiếu. Trang web doanh nghiệp cũng giống như bất động sản online vậy, nếu chưa có bạn như chưa từng tồn tại.
Hiện nay có rất nhiều dịch vụ web giá rẻ. Bạn thậm chí có thể tự dựng website trên nền tảng WordPress miễn phí.
Sau đó bạn cần tạo các bài viết giới thiệu doanh nghiệp của mình để có thể xuất hiện khi tìm kiếm Google.
Google My Business (GMB)
Để xuất hiện khi tìm kiếm doanh nghiệp trên bản đồ Google, bạn cần đăng ký thông tin tại Google My Business.
Bạn hãy tham khảo hướng dẫn tạo tài khoản GMB tại đây miễn phí.
Mạng xã hội
Mỗi doanh nghiệp có tệp khách hàng mục tiêu khác nhau. Tùy theo đó mà chọn kênh mạng xã hội phù hợp.
Ví dụ nếu là giới trẻ thì chọn TikTok, người dùng phổ thông thì Facebook/Zalo, khách hàng là doanh nghiệp thì LinkedIn, khách quốc tế thì Twitter…
Mục tiêu là để khi khách hàng tìm kiếm trên các nền tảng đó thì sẽ có thông tin doanh nghiệp mình.
Xây dựng thương hiệu = trao đi giá trị

Cách xây dựng thương hiệu bền vững nhất là việc khẳng định vai trò trong lĩnh vực thông qua trao đi giá trị.
Khi thành lập doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ, chắc chắn bạn sẽ là chuyên gia trong một lĩnh vực ngách nào đó.
Hãy tập hợp lại các tri thức liên quan đó rồi chia sẻ cho cộng đồng.
Đó có thể là bài viết trên web, bài post trên mạng xã hội, video, checklist infographic… miễn là có giá trị hữu ích.
Hãy làm việc này cần mẫn, định kỳ bởi đây là công việc lâu dài nhưng cũng vinh quang nhất.
Quảng cáo ngân sách thấp

Không giống các doanh nghiệp ổn định có ngân sách marketing hàng tháng, doanh nghiệp mới có thể coi quảng cáo như một khoản đầu tư.
Quảng cáo có ưu điểm là có thể nhắm tới đối tượng khách hàng tiềm năng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mà không cần họ phải biết đến doanh nghiệp. (Với trường hợp biết đến doanh nghiệp và tìm kiếm theo tên, chúng ta đã “xử lý” ở phần trên).
Các loại hình quảng cáo
Tại Việt Nam, hiện tại đang phổ biến các loại quảng cáo online sau:
- Quảng cáo Facebook, Instagram
- Quảng cáo Google (gồm tìm kiếm, khám phá, Google Shopping, hiển thị, video Youtube)
- Quảng cáo Zalo
- Quảng cáo TikTok
- Quảng cáo Cốc Cốc
Chú ý khi triển khai
Với ngân sách thấp, cách triển khai sẽ phải khác.
Dưới đây là các gợi ý để tăng hiệu quả với chi phí tối giản.
- Thử nghiệm với ngân sách thấp rồi mới nâng dần
- Với quảng cáo Facebook, có thể thử nghiệm ở vùng địa lý cụ thể (theo tỉnh hoặc theo tọa độ với bán kính vừa phải)
- Với quảng cáo Google, cần có offer tốt vượt trội so với đối thủ (các ưu đãi, cam kết, hậu mãi…)
- Thiết lập theo dõi chuyển đổi để đo lường hiệu quả quảng cáo
- Ưu tiên các sản phẩm chủ đạo, sản phẩm có margin tốt
- Mỗi thời điểm chỉ nên triển khai 1 chiến dịch trên 1 nền tảng. Khi đi vào ổn định, có hiệu quả tốt mới mở rộng sang kênh khác
- Liên tục tối ưu tỷ lệ chuyển đổi, tối ưu Google Ads, Facebook…
Bước tiếp theo
Trên đây mình chia sẻ sơ bộ các gợi ý triển khai marketing cho doanh nghiệp mới.
Tùy điều kiện về ngân sách, nhân sự mà bạn có thể thực hiện từng phần hay toàn bộ.
Nếu cần tư vấn, hãy liên hệ Next Smarter, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Chúc bạn thành công!

Bố của 3 nhóc, đam mê digital marketing. Cùng Next Smarter có sứ mệnh giúp khách hàng SMB tăng doanh thu bền vững từ internet.