Bạn đang tự chạy hay thuê đơn vị dịch vụ Google ads? Dù trường hợp nào cũng cần điều chỉnh thường xuyên. Vậy tối ưu Google Ads gồm những công việc gì, trình tự các bước ra sao?
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Lý do cần tối ưu Google Ads định kỳ
Qua rồi thời có được camp ngon, rồi cả tháng chỉ việc khoanh chân chờ đơn về.
Hiện tại đã rất khác. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến phải liên tục sáng tạo để không bị bỏ lại.
Dưới đây là các nguyên nhân chính:
Cạnh tranh từ khóa bởi ai cũng muốn bán hàng
Trong marketing phễu (marketing funnel), chúng ta biết chu trình như sau.

Thông qua các từ khóa “mua hàng”, Google Ads là có thể nhắm đến những khách hàng tiềm năng. Họ là những người ở cuối phễu, BOFU (bottom of funnel), và sẵn sàng rút ví.
Các từ khóa dạng này đều được các đơn vị lựa chọn để đấu thầu. Dẫn đến sự cạnh tranh đầu tiên là về từ khóa.
Cạnh tranh giá thầu bởi ai cũng muốn lên top
Hàng ngày liên tục có các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào sân chơi Google Ads. Nếu cộng thêm hiện tại, danh sách đối thủ của bạn càng ngày càng tăng.
Nếu hiểu nguyên lý đấu giá, bạn sẽ dễ hình dung hệ quả của nó:
- Giá thầu càng ngày càng cao
- Người mới sẵn sàng trả giá tốt để chiếm thứ hạng
- Đối thủ muốn out-rank bạn
Click tặc do đối thủ chơi xấu
Vấn nạn click ảo thực ra vô cùng phổ biến.
Hãy hình dung, nếu CPC = 10,000đ. Chỉ với 100 click ảo, trong vòng vài phút bạn có thể sẽ mất 1 triệu đồng. Mức tiền đó có thể là ngân sách cả 1 ngày đối với doanh nghiệp nhỏ.
Do vậy nếu không điều chỉnh kịp thời, bạn sẽ bị rớt hạng và lãng phí ngân sách.
Điều kiện cần trước khi tối ưu Google Ads
Để tối ưu, bạn phải dựa trên dữ liệu, chứ không thể ra quyết định theo cảm tính.
Các mục sau đây nhất thiết phải có trước khi bạn thực hiện bất kỳ một điều chỉnh nào.
Thiết lập theo dõi chuyển đổi
Rất nhiều trường hợp chạy quảng cáo dù chưa thiết lập theo dõi chuyển đổi.
Một cách ngắn gọn, khi quảng cáo, mục tiêu cuối cùng chúng ta muốn thu được là một “chuyển đổi”. Đó có thể là:
- Cuộc gọi điện
- Chat Zalo
- Để lại thông tin qua chatbot
- Đặt hàng qua giỏ hàng
- Liên hệ tư vấn
- Gửi yêu cầu báo giá
Do vậy, mỗi khi có kết quả, cần có cơ chế báo cho Google Ads biết.
Nhưng hãy yên tâm vì mình đã có bài hướng dẫn tại đây.
Hiểu rõ các con số & mục tiêu
Các thông tin sau đây bạn cần nắm vững:
- Giá bán, lãi gộp
- Tỷ lệ chốt sales
- Chi phí tối đa có thể chấp nhận để có khách hàng
Từ đó làm cơ sở xác định giá thầu trong Google Ads.
Nếu không, bạn có thể lỗ nhanh chóng. Càng chạy càng lỗ.
Các bước tối ưu Google Ads
Sau khi cấu hình chính xác, thông tin sẽ được thống kê đầy đủ tại Google Ads.
- Cân nhắc chiến lược thầu tự động hay thủ công
- Đối chiếu kết quả (click, view, lượt chuyển đổi, chi phí chuyển đổi… so với mục tiêu)
- Điều chỉnh đối tượng nhắm đến nếu cần (dựa theo các tiêu chí như khu vực địa lý, độ tuổi, giới tính…)
- Điều chỉnh giá thầu nếu cần (theo địa điểm, thời gian, thiết bị, đối tượng, độ tuổi, giới tính, tình trạng gia đình, thu nhập)
- Xem danh sách truy vấn để rà soát, điều chỉnh bộ từ khóa, từ khóa phủ định
- Xem danh sách placement hiển thị để bổ sung vào danh sách phủ định (với các chiến dịch hiển thị hay video)
- Đánh giá các bài quảng cáo. Bổ sung các phương án split test A/B
- Tối ưu các trang landing page để tăng tỷ lệ chuyển đổi
- Tối ưu đồng bộ từ từ khóa, bài quảng cáo đến landing page để tăng điểm chất lượng (quality score)
Tùy độ cạnh tranh, độ ưu tiên, mức ngân sách… mà tần suất thực hiện tối ưu có thể hàng ngày, vài ba ngày, hàng tuần. Nhưng một điều chắc chắn là không nên để quá một tuần.
Trong giai đoạn đầu, mục xem các cụm từ truy vấn nên thực hiện hàng ngày để bổ sung từ khóa phủ định kịp thời, tránh lãng phí.
Bước tiếp theo?
Thực ra, mỗi hạng mục công việc đề cập ở phần trên lại có rất nhiều điểm phải thực hiện hoặc cần lưu ý. Trong phạm vi blog này sẽ không thể đề cập chi tiết hết được. Nếu có thể, bên mình sẽ triển khai từng mục với từng bài cụ thể hơn.
Ví dụ chỉ riêng phần tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi đã là cả một mảng rất rộng cần nhiều kiến thức và kỹ năng.
Tuy nhiên, với những ai đang chạy Google Ads sẽ hiểu những gì mình muốn truyền tải, có thể tóm tắt như sau:
- Cần có mục tiêu
- Đảm bảo có dữ liệu đầy đủ & chính xác
- Đánh giá, đưa ra giả định, thực hiện điều chỉnh rồi xem kết quả. Rồi lại tiếp tục đánh giá…Đây là quá trình liên tục không có hồi kết
Suy cho cùng, bản chất của marketing là liên tục thử nghiệm & dựa trên dữ liệu.
Chúc bạn thành công!

Bố của 3 nhóc, đam mê digital marketing. Cùng Next Smarter có sứ mệnh giúp khách hàng SMB tăng doanh thu bền vững từ internet.